Sở Y tế báo cáo tham luận tại Hội nghị tổng kết hoạt động Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng

Ngày 24 tháng 01 năm 2019 UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động Khoa học và Công nghệ năm 2018 và Phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2019.

 

Với những kết quả đạt được rất đáng khích lệ trong hoạt động Khoa học và Công nghệ thời gian qua, ngành Y tế đã được UBND thành phố, Sở Khoa học và Công nghệ mời tham gia báo cáo tham luận tại Hội nghị. 

BSCKI. Nguyễn Minh Sơn, Trưởng phòng Nghiệp Vụ Y, Thư ký Hội đồng Khoa học và Công nghệ Sở Y tế đã đại diện ngành Y tế trình bày  tham luận. Tương quan với các ngành khác trên địa bàn thành phố, số lượng, chất lượng đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến, cũng như nguồn kinh phí bố trí cho hoạt động khoa học và công nghệ ngành Y tế thành phố Đà Nẵng được ghi nhận ở mức cao.

Trong thời gian tới ngành Y tế sẽ tiếp tục có những chỉ đạo, thực hiện đổi mới mạnh mẽ, toàn diện công tác nghiên cứu khoa học, sáng kiến để khoa học và công nghệ trở thành điểm sáng của ngành, thực sự trở thành động lực, phục vụ đắc lực công tác chuyên môn./.

Tham khảo toàn văn nội dung báo cáo tham luận của ngành Y tế tại Hội nghị:

----------------------------------------------------------------------------------------------

Nghiên cứu khoa học (NCKH) là một trong 07 chức năng, nhiệm vụ của Bệnh viện (BV). Hiện nay theo Bộ Tiêu chí đánh giá chất lượng BV do Bộ Y tế ban hành cũng như trong nội dung kiểm tra các đơn vị khối không giường bệnh có riêng mục đánh giá về công tác NCKH. Đây là một trong trong những nhiệm vụ chuyên môn thường quy được chú trọng triển khai hằng năm trong toàn ngành Y tế.

Trong thời gian qua công tác NCKH trong toàn ngành Y tế thành phố được triển khai một cách đồng đều và theo đúng qui định.

Một số kết quả đạt được như sau:

Về số lượng: tăng dần qua từng năm. Hiện nay, mỗi năm có khoảng 250-300 đề tài tham gia xét nghiệm thu cấp cơ sở (do Sở Y tế quản lý). Ngoài ra hằng năm tham gia 2-3 đề tài cấp cơ sở được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học công nghệ; 2-3 đề tài cấp thành phố.

Về nội dung nghiên cứu: ngày càng đa dạng trên đầy đủ các lĩnh vực về điều trị; điều dưỡng, chăm sóc người bệnh; dược; y tế công cộng; phòng bệnh; quản lý y tế.

Về chất lượng các đề tài: ngày càng được nâng cao. Các đề tài bám sát nhu cầu thực tế về chăm sóc sức khỏe, mang lại lợi ích thiết thực cho người bệnh, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nâng cao uy tín ngành Y tế thành phố. Một số đóng góp cụ thể, tiêu biểu như:

- Dựa trên kết quả NCKH, tại các BV trực thuộc đã ứng dụng nhiều kỹ thuật lâm sàng, cận lâm sàng mới vào công tác khám bệnh, chữa bệnh, giúp người bệnh không phải đi xa, giảm chí phí khám chữa bệnh cho người bệnh. Một số kỹ thuật cao tiêu biểu được thực hiện nhờ ứng dụng chuyển giao công nghệ như: Ghép thận; mổ tim hở; can thiệp tim mạch; phẫu thuật nội soi; phẫu thuật vi phẫu; phẫu thuật điều trị ung thư; phẫu thuật tạo hình; phẫu thuật chấn thương; phẫu thuật thần kinh; các kỹ thuật trong hồi sức, các thiết bị kỹ thuật cao như điều trị ung thư bằng máy gia tốc tuyến tính, SPECT/CT, PET/CT; thụ tinh trong ống nghiệm;...

- Gần đây, các nghiên cứu mới trong lĩnh vực quản lý chất lượng BV; khảo sát mức độ hài lòng của người bệnh về chất lượng dịch vụ y tế, thái độ ứng xử của nhân viên y tế... qua đó rút kinh nghiệm và áp dụng các biện pháp cải tiến về mọi mặt giúp nâng cao hơn nữa sự hài lòng người bệnh theo phương châm "Lấy người bệnh làm trung tâm".

- Từ kết quả các đề tài NCKH, các cơ sở y tế đã tiến hành bố trí thêm bàn khám bệnh, sắp xếp lại các bộ phận tiếp đón, khám bệnh, xét nghiệm, viện phí, dược...theo nguyên tắc liên hoàn, đề xuất cải cách các thủ tục hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác khám, chữa bệnh nhằm giảm thời gian chờ đợi người bệnh, giảm phiền hà, đảm bảo công bằng, minh bạch và nhận được sự hoan nghênh của đông đảo người dân trên địa bàn thành phố và các vùng lân cận.

- Thông qua kết quả nhiều nghiên cứu còn góp phần xây dựng các Chương trình đào tạo liên tục cho cán bộ y tế, cập nhật kiến thức y khoa mới, các thành tựu khoa học công nghệ mới trong lĩnh vực y tế. Cùng với các hoạt động sinh hoạt khoa học chuyên đề theo định kỳ, tổ chức các Hội thảo khoa học, qua đó nâng cao năng lực chuyên môn, y đức, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

- Nghiên cứu trên một số lĩnh vực chuyên ngành theo định hướng ưu tiên phát triển hiện nay như: Các nghiên cứu về Y dược học cổ truyền gồm phương pháp dùng thuốc và phương pháp không dùng thuốc đã được ứng dụng trên lâm sàng có hiệu quả. Các nghiên cứu về sức khỏe tâm thần góp phần nâng cao chất lượng điều trị ngoại trú, nâng cao chất lượng sống cho người bệnh động kinh; ứng dụng liệu pháp tâm lý giúp các học viên tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng nâng cao động cơ, trang bị các kỹ năng chống tái nghiện; đề xuất các biện pháp hiệu quả chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân vùng bão.

Trong năm 2018 Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc Sở chủ trì thực hiện 03 đề tài cấp thành phố và 02 đề tài cấp cơ sở được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ với tổng kinh phí thực hiện là 3,27 tỷ đồng, trong đó ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ hỗ trợ 2,08 tỷ đồng và nguồn khác là 1,19 tỷ đồng. Các nghiên cứu ở lĩnh vực y học cổ truyền, dược, sử dụng kháng sinh, ứng dụng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, nghiên cứu về dịch vụ y tế vùng biển. Trong đó đã nghiên cứu bào chế thành công viên hoàn Sâm Nhung Tán dục đơn áp dụng điều trị có hiệu quả cho bệnh nhân suy giảm số lượng và chất lượng tinh trùng tại Bệnh viện Y học cổ truyền; Sử dụng kỹ thuật phẫu thuật ít xâm lấn, kỹ thuật bắc cầu động mạch và các thiết bị hiện đại ứng dụng thành công tại Bệnh viện Đà Nẵng để điều trị cho bệnh nhân phình động mạch não vỡ giảm nguy cơ tử vong cho bệnh nhân. Đồng thời các nghiên cứu đang được thực hiện như ứng dụng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả điều trị vô sinh tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi; nghiên cứu tình hình đề kháng kháng sinh và tình hình sử dụng kháng sinh ban đầu nhằm đề xuất giải pháp sử dụng hợp lý kháng sinh ban đầu ở bệnh nhân viêm phổi tại Bệnh viện Đà Nẵng… là các nghiên cứu được thực hiện với ý nghĩa thiết thực góp phần chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra trong năm 2018 còn có 07 đề tài, dự án do các đơn vị ngoài Sở Y tế chủ trì thực hiện được hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ với tổng kinh phí với tổng kinh phí thực hiện là 10,16 tỷ đồng, trong đó ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ Trung ương hỗ trợ 2,83 tỷ đồng, ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ thành phố hỗ trợ 3,51 tỷ đồng và nguồn khác là 3,82 tỷ đồng. Các nghiên cứu được thực hiện tập trung phát triển trồng dược liệu cũng như nghiên cứu tạo ra các sản phẩm từ dược liệu, nghiên cứu can thiệp phục hồi chức năng phòng chống té ngã ở người cao tuổi… Đặc biệt trong số này có 3 đề tài, dự án do doanh nghiệp chủ trì, qua đó huy động được sự tham gia của doanh nghiệp với vai trò là hạt nhân trong chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa tại các địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất các sản phẩm chủ lực của địa phương.

Để có được một số kết quả nêu trên, kinh nghiệm từ Sở Y tế:

1. Phát huy tối đa nguồn nhân lực khoa học toàn ngành. Luôn coi trọng công tác đào tạo chuyên gia. Trình độ cán bộ các chuyên ngành y dược có trình độ sau đại học ngày càng gia tăng. Hiện nay tỷ lệ bác sĩ có trình độ sau đại học đạt 57,1% (879/1540).

2. Không ngừng nâng cao tính phản biện, nâng cao chất lượng các Hội đồng bằng cách mời các chuyên gia khoa học, khuyến khích sự tham gia của các Hội nghề nghiệp.

3. Sự quan tâm, ủng hộ và chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo ngành. Từ đây để có những chỉ đạo cụ thể nâng cao chất lượng thực hiện đề tài, chất lượng hoạt động các Hội đồng khoa học; công tác quản lý khoa học đối với các đơn vị trực thuộc được thực hiện một cách chặt chẽ.

          4. Kịp thời cập nhật, phổ biến, triển khai các văn bản mới của Trung ương và địa phương về công tác NCKH trong toàn ngành. Trong đó áp dụng hiệu quả các định mức chi cho công tác KH&CN theo các hướng dẫn mới. Phối hợp tốt với Sở Khoa học và Công nghệ trong thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

5. Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát hỗ trợ: Bộ phận Thường trực Hội đồng Khoa học và Công nghệ ngành theo dõi, giám sát việc thực hiện đề tài các đơn vị. Hằng năm Sở Y tế đánh giá công tác nghiên cứu khoa học tại các đơn vị thông qua kiểm tra cuối năm. Qua kết quả đánh giá làm cơ sở lập kế hoạch triển khai công tác NCKH phù hợp với thực tế.

6. Quan tâm, hướng dẫn các các đơn vị, cá nhân xây dựng kinh phí nghiên cứu khoa học (với định mức chi về NCKH tăng so với trước đây). Điều này tạo thuận lợi trong việc mời gọi, đặt hàng các đề tài, dự án khoa học và công nghệ trong toàn ngành, cũng như thuận lợi trong việc việc mời các chuyên gia khoa học tham gia các Hội đồng về khoa học công nghệ.

Một số định hướng nâng cao chất lượng công tác NCKH ngành Y tế trong thời gian tới

1. Đẩy mạnh hơn nữa cơ chế đặt hàng, khoán nội dung nghiên cứu để có được sản phẩm khoa học công nghệ tốt. Đề xuất xây dựng cơ chế tài chính và chính sách chuyên ngành sâu cho cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ của ngành.

2. Chuẩn hóa và tăng cường công tác báo cáo, thống kê khoa học công nghệ trong toàn ngành.  Xây dựng và ban hành danh mục chủ đề nghiên cứu ưu tiên theo từng năm, từng giai đoạn. Trên cơ sở đó ưu tiên lựa chọn các đề tài phù hợp với nhiệm vụ chuyên môn tại từng đơn vị, các vấn đề nghiên cứu mang tính cấp thiết, có tính ứng dụng cao trong toàn ngành cũng như phù hợp với định hướng Chương trình NCKH của thành phố.

3. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và triển khai các nhiệm vụ KHCN: tiến đến xây dựng phần mềm quản lý KHCN, đồng thời là Kho dữ liệu KHCN ngành Y tế. Đây là kênh khai thác, sử dụng hiệu quả các sản phẩm KHCN.

4. Ban hành Kỷ yếu công trình NCKH ngành Y tế theo định kỳ. Tổ chức Hội nghị khoa học công nghệ ngành Y tế. Đây sẽ là diễn đàn lớn để các nhà khoa học gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm.

5. Tổ chức Hội nghị tổng kết, Hội nghị triển khai công tác NCKH hằng năm. Đánh giá, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác NCKH.

6. Các định hướng nội dung và chủ đề nghiên cứu trong thời gian tới:

Ưu tiên lựa chọn các nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong công tác y tế dự phòng; các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, phát hiện sớm và điều trị các bệnh tim mạch, tiểu đường, phẫu thuật thần kinh, chấn thương, tạo hình và trong lĩnh vực phụ sản, nhi khoa, ung bướu,…

Trọng tâm hơn các nghiên cứu về dược, chăm sóc người bệnh, các nghiên cứu về cung ứng dịch vụ và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, tiếp tục khuyến khích các nghiên cứu ở chuyên ngành y học cổ truyền, sức khỏe tâm thần, lão khoa.

7. Định hướng các lĩnh vực công nghệ trọng điểm đầu tư trong thời gian tới: các công nghệ cao, hiện đại như kỹ thuật ghép tạng; robot phẫu thuật nội soi; công nghệ tế bào gốc; công nghệ giải trình tự gen, công nghệ sinh học,… trong chẩn đoán và điều trị bệnh.

Tin: Xuân Trường

Tin tức - Sự kiện

Cải cách hành chính - Nghiên cứu khoa học

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

VIDEO

LuotTruyCap

Thống kê truy cập
Hôm nay: 9.222
Hôm qua: 0
Tuần này: 9.223
Tháng này: 9.238
Tổng lượt truy cập: 13.684

Navigation Menu

Navigation Menu

Navigation Menu