Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học và sáng kiến ngành Y tế thành phố Đà Nẵng

Bài viết nhằm hưởng ứng, "Nhiệt liệt chào mừng Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam 18-5".

Nghiên cứu khoa học (NCKH) là một trong 07 chức năng, nhiệm vụ của Bệnh viện. Hiện nay theo Bộ Tiêu chí đánh giá chất lượng BV do Bộ Y tế ban hành cũng như trong nội dung kiểm tra các đơn vị khối không giường bệnh có riêng mục đánh giá về công tác NCKH. Đây là một trong trong những nhiệm vụ chuyên môn thường quy được chú trọng triển khai hằng năm trong toàn ngành.

Trên cơ sở xác định tầm quan trọng của công tác NCKH; để đáp ứng yêu cầu phát triển chung của ngành và để khoa học và công nghệ (KH&CN) đóng góp nhiều hơn đối với công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, trong những năm qua ngành Y tế thành phố Đà Nẵng đã quan tâm đẩy mạnh hoạt động NCKH, từng bước có những đổi mới, cải tiến phù hợp với tình hình thực tiễn.

Nhân dịp Chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 2018, thông qua bài viết này xin được trình bày tóm tắt một số kết quả đạt được của công tác NCKH trong toàn ngành trong thời gian qua, đánh giá những thuận lợi, khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai; đồng thời qua đó định hướng một số giải pháp nâng cao chất lượng NCKH trong thời gian tới.

Trong bối cảnh hiện nay, hệ thống các văn bản hướng dẫn về KHCN và sáng kiến ngày càng được hoàn thiện, cùng lợi thế về nhân lực khoa học trong toàn ngành, luôn nhiệt tình với công tác, có kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ KH&CN. Đặc biệt, công tác NCKH luôn nhận được quan tâm, ủng hộ và chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Sở Y tế, là những điều kiện thuận lợi để Sở Y tế thực hiện những hoạt động nâng cao chất lượng công tác NCKH.

1. Về một số hoạt động cụ thể và kết quả đạt được

- Năm 2012 Sở Y tế ban hành Quyết định số 2694/QĐ-SYT về quy trình đăng ký và xét duyệt đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở. Theo đó đã đưa công tác NCKH vào hoạt động thường quy hằng năm; các hoạt động triển khai theo Quy trình đảm bảo rõ ràng, công khai minh bạch; công tác quản lý được thực hiện theo hướng chặt chẽ.

- Hội đồng thẩm định đề tài cấp cơ sở có nhiều đổi mới, từng bước mời các chuyên gia khoa học có uy tín từ các đơn vị trực thuộc tham gia, qua đó tăng tính phản biện, nâng cao chất lượng Hội đồng. Định mức chi cho công tác NCKH tăng so với trước đây, điều này tạo điều kiện thuận lợi trong việc mời gọi, đặt hàng các đề tài, dự án khoa học và công nghệ trong toàn ngành, cũng như thuận lợi trong việc việc mời các chuyên gia khoa học tham gia các Hội đồng về KH&CN.

- Công tác thống kê, báo cáo khoa học ngày càng được chú trọng và thực hiện một cách chặt chẽ. Hàng năm Sở Y tế đều thực hiện tốt báo cáo thống kê KH&CN và các báo cáo khoa học khác gửi Sở KH&CN, UBND thành phố.

- Công tác lưu trữ có sự đổi mới: từng bước thực hiện lưu trữ điện tử các sản phẩm kết quả NCKH cấp cơ sở, làm tiền đề cho xây dựng hệ thống thông tin khoa học chung trong toàn ngành trong thời gian tới.

- Tại các đơn vị trong toàn ngành duy trì và nâng cao chất lượng sinh hoạt khoa học theo định kỳ; thường xuyên tổ chức các Hội nghị, hội thảo khoa học theo chuyên đề. Công tác hợp tác quốc tế trong NCKH được chú trọng và đẩy mạnh. Một số đơn vị tiêu biểu trong hoạt động này như: BV Đà Nẵng, BV Phụ sản - Nhi, BV Tâm thần, BV Da liễu, ….

- Hằng năm Sở Y tế đánh giá công tác NCKH tại các đơn vị thông qua Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng BV do Bộ Y tế ban hành (với các tiêu chí đánh giá về triển khai công tác NCKH và ứng dụng kết quả NCKH vào thực tế hoạt động khám chữa bệnh). Qua kết quả đánh giá làm cơ sở lập kế hoạch triển khai công tác NCKH phù hợp với thực tế.

- Kịp thời cập nhật, phổ biến, triển khai các văn bản mới của Trung ương và địa phương về công tác NCKH và sáng kiến. Từ năm 2016, để phù hợp với thực tiễn của ngành cũng như các văn bản hướng dẫn mới của Trung ương và địa phương về công tác NCKH, Sở Y tế đã thực hiện các hoạt động kiện toàn, nâng cao công tác NCKH và sáng kiến như: ban hành Quyết định kiện toàn Hội đồng Khoa học và Công nghệ Sở Y tế, Quyết định ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng; ban hành Quy chế hoạt động sáng kiến trong toàn ngành.

- Riêng năm 2017 đã hoàn thiện việc tổ chức xét duyệt Thuyết minh đề cương đề tài NCKH cấp cơ sở với số lượng lớn trong toàn ngành (với 260 Thuyết minh đề tài). Qua đó bước đầu kiểm soát tốt, nâng cao chất lượng đầu vào các đề tài tham gia cấp cơ sở.  

- Cũng trong năm 2017 Sở Y tế hoàn thành điều tra, khảo sát nhu cầu công nghệ theo chỉ đạo của UBND thành phố. Kết quả khảo sát đã bước đầu xác định được thực trạng công nghệ trong toàn ngành, đồng thời định hướng các lĩnh vực công nghệ trọng điểm cần đầu tư trong thời gian tới (như công nghệ giải trình tự gen, công nghệ sinh học phân tử, công nghệ robot phẫu thuật nội soi,…)

Một số đóng góp cụ thể, tiêu biểu của KH&CN trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân trong thời gian qua

Trong thời gian qua công tác NCKH trong toàn ngành Y tế thành phố được triển khai một cách đồng đều và theo đúng qui định.

Về số lượng đề tài và sáng kiến: tăng dần qua từng năm. Hiện nay, mỗi năm có khoảng 250-300 đề tài tham gia xét nghiệm thu cấp cơ sở. Số liệu này chưa bao gồm số đề tài cấp cơ sở được Sở KH&CN hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách sự nghiệp KHCN (khoảng 1-2 đề tài/năm) và đề tài cấp thành phố (khoảng 1-2 đề tài/năm). 

Về nội dung nghiên cứu: ngày càng đa dạng với đầy đủ các lĩnh vực về điều trị; điều dưỡng, chăm sóc người bệnh; dược; y tế công cộng; phòng bệnh; quản lý y tế (tổ chức, tài chính y tế,…); quản lý chất lượng BV;….

Về chất lượng các đề tài: ngày càng được nâng cao. Các đề tài NCKH luôn bám sát nhu cầu thực tế về chăm sóc sức khỏe, mang lại lợi ích thiết thực cho người bệnh, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nâng cao uy tín ngành Y tế thành phố. Một số đóng góp cụ thể, tiêu biểu như:

- Dựa trên kết quả NCKH, tại các Bệnh viện trực thuộc đã ứng dụng nhiều kỹ thuật lâm sàng, cận lâm sàng mới vào công tác khám bệnh, chữa bệnh, giúp người bệnh không phải đi xa, giảm chí phí khám chữa bệnh cho người bệnh. Một số kỹ thuật cao tiêu biểu được thực hiện nhờ ứng dụng chuyển giao công nghệ như: Ghép thận; mổ tim hở; can thiệp tim mạch; phẫu thuật nội soi; phẫu thuật vi phẫu; phẫu thuật điều trị ung thư; phẫu thuật tạo hình; phẫu thuật chấn thương; phẫu thuật thần kinh; các kỹ thuật trong hồi sức, các thiết bị kỹ thuật cao như điều trị ung thư bằng máy gia tốc tuyến tính, SPECT/CT, PET/CT; thụ tinh trong ống nghiệm;...

- Gần đây, các nghiên cứu mới trong lĩnh vực quản lý chất lượng Bệnh viện; khảo sát mức độ hài lòng của người bệnh về chất lượng dịch vụ y tế, thái độ ứng xử của nhân viên y tế... qua đó rút kinh nghiệm và áp dụng các biện pháp cải tiến về mọi mặt giúp nâng cao hơn nữa sự hài lòng người bệnh theo phương châm "Lấy người bệnh làm trung tâm".

- Từ kết quả các đề tài NCKH, các cơ sở y tế đã tiến hành bố trí thêm bàn khám bệnh, sắp xếp lại các bộ phận tiếp đón, khám bệnh, xét nghiệm, viện phí, dược...theo nguyên tắc liên hoàn, đề xuất cải cách các thủ tục hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác khám, chữa bệnh nhằm giảm thời gian chờ đợi người bệnh, giảm phiền hà, đảm bảo công bằng, minh bạch và nhận được sự hoan nghênh của đông đảo người dân trên địa bàn thành phố và các vùng lân cận.

- Thông qua kết quả nhiều nghiên cứu còn góp phần xây dựng các Chương trình đào tạo liên tục cho cán bộ y tế, cập nhật kiến thức y khoa mới, các thành tựu khoa học công nghệ mới trong lĩnh vực y tế. Cùng với các hoạt động sinh hoạt khoa học chuyên đề theo định kỳ, tổ chức các Hội thảo khoa học, qua đó nâng cao năng lực chuyên môn, y đức, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

- Nghiên cứu ở một số lĩnh vực chuyên ngành theo định hướng ưu tiên phát triển hiện nay như: Các nghiên cứu về Y dược học cổ truyền gồm phương pháp dùng thuốc và phương pháp không dùng thuốc đã được ứng dụng trên lâm sàng có hiệu quả. Trong năm 2017 có 02 đề tài cấp thành phố về y học cổ truyền: đề tài "Đánh giá thực trạng cây thuốc trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và giải pháp bảo tồn, phát triển" và đề tài "Điều trị nghiện ma túy bằng châm cứu, thuốc nam kết hợp dạy nghề giúp việc lương y, lương dược tại Trung tâm Giáo dục - dạy nghề 05-06 (nay là Cơ sở xã hội Bàu Bàng)".

- Trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần: qua các nghiên cứu góp phần nâng cao chất lượng điều trị ngoại trú, nâng cao chất lượng sống cho người bệnh động kinh; ứng dụng liệu pháp tâm lý giúp các học viên tại Trung tâm 05-06 nâng cao động cơ, trang bị các kỹ năng chống tái nghiện; đề xuất các biện pháp hiệu quả chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân vùng bão. Trong lĩnh vực y tế biển đảo hiện nay có 01 đề tài được chọn tham gia cấp cơ sở theo diện được hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách KH&CN.

2. Đánh giá thuận lợi, tồn tại, hạn chế

a) Thuận lợi

Để có được những kết quả như trên, trước hết phải nói đến sự quan tâm đặc biệt và chỉ đạo quyết liệt của Ban Giám đốc Sở Y tế đối với công tác NCKH. Hằng năm Sở đều xây dựng kế hoạch cụ thể, bố trí nguồn kinh phí riêng cho công tác NCKH.

Bên cạnh đó, ngành có đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật nhiệt tình với công tác, có kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ KH&CN trong từng nhiệm vụ chuyên môn được giao. Đây là lợi thế lớn trong thực hiện các nhiệm vụ KH&CN.

Về chủ đề nghiên cứu: Có nhiều hướng phát triển chuyên sâu khoa học kỹ thuật tạo điều kiện cho cán bộ làm nghiên cứu.

Ngoài ra với hệ thống văn bản pháp quy, các văn bản hướng dẫn về công tác NCKH và sáng kiến ngày càng hoàn thiện. Sở luôn nhận được sự chỉ đạo kịp thời từ các cấp, sự hướng dẫn nhiệt tình của Sở Khoa học và Công nghệ trong thực hiện các nhiệm KH&CN. Đây là những điều kiện hết sức thuận lợi để Sở Y tế triển khai tốt các nhiệm vụ KH&CN.

b) Tồn tại, hạn chế

- Mặc dù nhân lực khoa học được nâng cao, tuy nhiên phân bổ chưa đồng đều ở các đơn vị. Phần nhiều tập trung ở các đơn vị lớn.

- Số lượng đề tài tăng qua hằng năm nhưng nhìn chung chất lượng chưa đồng đều. Đối với các Bệnh viện tư nhân, công tác NCKH còn nhiều hạn chế.

- Một số đơn vị chưa sát sao trong việc hướng dẫn cán bộ nhân viên thực hiện đăng ký và gửi đề tài tham gia thẩm định cấp cơ sở về Sở.

- Cách thức xét duyệt đề tài cấp cơ sở đã có nhiều đổi mới, tuy nhiênvẫn  chưa đáp ứng được yêu cầu hiện tại khi số lượng đề tài tham gia cấp cơ sở hằng năm ngày càng tăng.

- Còn hạn chế trong việc tổ chức đánh giá hiệu quả đề tài, sáng kiến cải tiến ứng dụng vào thực tiễn điều trị, chăm sóc bệnh nhân, dự phòng và các dự báo để định hướng quản lý về khoa học và công nghệ

- Các đơn vị chủ yếu thực hiện các đề tài cấp cơ sở; chưa chú trọng hướng đến nhiệm vụ NCKH cấp cao hơn.

3. Định hướng, giải pháp nâng cao chất lượng công tác NCKH trong thời gian tới

Trên cơ sở một số kết quả đạt được, nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, Sở Y tế định hướng các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng công tác NCKH trong thời gian tới như sau:

Thứ nhất, về mặt cơ chế, chính sách: Đẩy mạnh cơ chế đặt hàng của lãnh đạo đối với từng đơn vị, cá nhân theo chuyên ngành phù hợp, khoán nội dung nghiên cứu để có được sản phẩm KHCN tốt. Đề xuất xây dựng cơ chế tài chính và chính sách chuyên ngành sâu cho cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ KH&CN của ngành.

Thứ hai, về mặt tổ chức: Kiện toàn Hội đồng nghiên cứu khoa học/ Hội đồng sáng kiến tại các đơn vị. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của bộ phận Thường trực Hội đồng NCKH đơn vị trong tham mưu triển khai các hoạt động NCKH tại đơn vị. Trong thời gian tới chỉ đạo thành lập Hội đồng đạo đức tại các đơn vị và Hội đồng đạo đức Sở Y tế. Kiểm soát chặt chẽ các nghiên cứu y sinh liên quan đến con người, bao gồm các nghiên cứu do các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố thực hiện, cũng như các nghiên cứu do các tổ chức, cá nhân khác (ngoài địa bàn thành phố) chủ trì được triển khai thực hiện, thu thập số liệu trên địa bàn thành phố.

Thứ ba, về phương thức tổ chức thực hiện: tiếp tục đổi mới hoàn thiện, áp dụng phương pháp thực hiện theo hướng chặt chẽ, phù hợp với điều kiện thực tiễn.

1, Điều chỉnh Quy trình NCKH. Nhất là về mặt thời gian, đảm bảo tính chủ động trong tổ chức nghiệm thu đề tài hằng năm, kịp thời cung cấp kết quả NCKH phục vụ công tác báo cáo, tổng kết, thi đua khen thưởng. 

2, Đối với Đề cương đề tài: sàng lọc kỹ các đề tài ngay từ khâu xét duyệt Đề cương nghiên cứu, ưu tiên lựa chọn các đề tài phù hợp với nhiệm vụ chuyên môn tại từng đơn vị, các vấn đề nghiên cứu mang tính cấp thiết, có tính ứng dụng cao trong toàn ngành cũng như phù hợp với định hướng Chương trình NCKH của thành phố (được ban hành tại Quyết định 5046/QĐ-UBND ngày 11/9/2017). Hội đồng KH&CN Sở Y tế sẽ ban hành danh mục chủ đề nghiên cứu ưu tiên theo từng năm, từng giai đoạn.

3, Tăng khả năng tư vấn, phản biện của các Hội đồng bằng cách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các Hội nghề nghiệp; mời các chuyên gia khoa học có uy tín tham gia các Hội đồng xét duyệt Đề cương; Hội đồng thẩm định đề tài theo từng chuyên ngành phù hợp.

4, Công tác đào tạo: xây dựng kế hoạch và triển khai tập huấn về phương pháp nghiên cứu khoa học; tập huấn về hoạt động sáng kiến trong toàn ngành. Hoạt động tập huấn phải được triển khai đồng bộ từ Sở Y tế đến từng đơn vị. Đây cũng là nội dung cần phải đạt theo Tiêu chí C10.1 (Tiểu mục 7, thuộc Mức 3) của Bộ Tiêu chí chất lượng Bệnh viện Việt Nam (Phiên bản 2.0).

5, Đối với hoạt động sáng kiến: phát động rộng rãi và khuyến khích cán bộ nhân viên trong toàn ngành tham gia phong trào lao động sáng tạo. Tăng số lượng và chất lượng các giải pháp qua từng năm. Hướng đến các sáng kiến được công nhận ở cấp độ cao hơn (các giải thưởng do thành phố, Trung ương tổ chức).

6, Tổ chức Hội nghị NCKH ngành Y tế thành phố. Đây sẽ là diễn đàn lớn để các nhà khoa học gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về chuyên môn KHCN.

7, Tổ chức Hội nghị tổng kết, Hội nghị triển khai công tác NCKH và sáng kiến hằng năm. Đánh giá, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác NCKH và sáng kiến. Điều này sẽ tạo động lực, khuyến khích các đơn vị, cá nhân tham gia, tạo phong trào NCKH, thi đua lao động sáng tạo sôi nổi trong toàn ngành.

Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của BCH Trung ương Đảng khóa XI đã xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Mới đây Nghị quyết số 20/NQ/TW ngày 25/10/2017 của BCH Trung ương khóa XII cũng đã chỉ rõ, một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới là phải phát triển nhân lực và khoa học công nghệ y tế.

Trên tinh thần đó, ngành Y tế thành phố Đà Nẵng tiếp tục chỉ đạo, thực hiện đổi mới mạnh mẽ, toàn diện công tác nghiên cứu khoa học, để KH&CN trở thành điểm sáng của ngành, thực sự trở thành động lực, phục vụ đắc lực công tác chuyên môn./.

Xuân Trường

Tin tức - Sự kiện

Cải cách hành chính - Nghiên cứu khoa học

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin

VIDEO

LuotTruyCap

Thống kê truy cập
Hôm nay: 13.175
Hôm qua: 0
Tuần này: 13.176
Tháng này: 13.191
Tổng lượt truy cập: 17.637

Navigation Menu

Navigation Menu

Navigation Menu