Kết quả thực hiện các mục tiêu theo Quyết định số 1978/QĐ-UBND ngày 17/5/2018 của UBND thành phố Đà Nẵng về việc ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2016-2020
Tính đến 31/12/2020, có 06/60 chỉ tiêu không đạt kế hoạch giao của giai đoạn 2016-2020 (chiếm 10,0%) và đây cũng là những chỉ tiêu được Bộ Y tế ghi nhận chung của nhiều tỉnh/thành phố trên toàn quốc; có 54/60 chỉ tiêu đạt hoặc vượt kế hoạch giao (đạt 90,0%).
Cụ thể nội dung của 06/60 chỉ tiêu không đạt chỉ tiêu đề ra gồm:
+ Tỷ lệ mắc sốt xuất huyết 1/100.000 dân;
+ Tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết;
+ Tỷ lệ xã/phường quản lý bệnh nhân rối loạn trầm cảm;
+ Tỷ lệ mắc mới các bệnh/tật học đường;
+ Tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng nhiễm HIV;
+ Tỷ lệ người đã chẩn đoán HIV được điều trị thuốc ARV.
- Lý do chưa đạt các chỉ tiêu nêu trên:
+ Cùng trong bối cảnh chung của toàn quốc, do tình hình dịch thì diễn biến phức tạp qua các năm nên khó có thể đạt được đối với một bệnh mà nguy cơ lây nhiễm rất cao. Theo chu kỳ dịch, SXH tăng cao ở tất cả các tỉnh/thành và các nước trong khu vực. Do sự biến đổi khí hậu, môi trường ô nhiễm, tốc độ đô thị hóa...dẫn tới gia tăng muỗi sinh sản.
+ Tình hình chung của cả nước theo ghi nhận của Bộ Y tế: Vướng mắc do quy định về điều kiện khám BHYT và đặc điểm của bệnh nhân Rối loạn trầm cảm, ngoài ra do nhân lực hoạt động liên quan đến chuyên ngành tâm thần nói chung và rối loạn trầm cảm nói riêng vẫn còn hạn chế, vì vậy công tác quản lý bệnh nhân rối loạn trầm cảm tại địa phương gặp nhiều khó khăn.
+ Chỉ số về mắc mới bệnh tật học đường: Không có số liệu. Chỉ số này không đánh giá được, không khả thi vì thực tế các trường mới chỉ tiến hành khám sức khỏe tổng quát cho các em học sinh, chưa đủ nguồn lực để thực hiện khám các chuyên khoa liên quan đến xác định các bệnh, tật học đường, nội dung này cũng đã được Bộ Y tế ghi nhận tại Báo cáo tổng kết Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020 của toàn quốc.
+ Các chỉ tiêu liên quan đến HIV/AIDS gồm là chỉ tiêu Tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng nhiễm HIV, Tỷ lệ người đã chẩn đoán HIV được điều trị thuốc ARV: Tình hình chung của cả nước theo BCTK của BYT: người nhiễm chưa tiếp cận xét nghiệm do sự kỳ thị, phân biệt đối xử về HIV/AIDS. Nguồn viện trợ cho chương trình bị cắt giảm mạnh, kinh phí địa phương còn hạn chế. Đồng thời, do nhận thức của người nhiễm về điều trị HIV/AIDS còn hạn chế. Tình trạng kỳ thị và tự kỳ thị là rào cản khi tiếp cân dịch vụ. Nguồn thuốc chuyển sang BHYT và mới triển khai nên còn vướng mắc, khó khăn.
- Những vướng mắc trong quá trình đo lường chỉ tiêu giao của Chương trình, đặc biệt một số nội dung chỉ tiêu như sau:
+ Có 50% số người bị tăng huyết áp được phát hiện sớm; 30% số người phát hiện bệnh được quản lý, điều trị theo hướng dẫn chuyên môn: các chỉ số này khó đo lường cụ thể vì mẫu số không có căn cứ ước tính (số người tăng huyết áp được phát hiện sớm/tổng số người bị tăng huyết áp trong cộng đồng).
+ Có 40% số người bệnh đái tháo đường được phát hiện, trong đó 40% được quản lý, điều trị. Khống chế tỷ lệ tiền đái tháo đường < 20% ở người 30 - 69 tuổi và khống chế tỷ lệ đái tháo đường < 10% ở người 30 - 69 tuổi: tương tự như chỉ số của tăng huyết áp, không có căn cứ ước tính cho mẫu số.
+ Tối thiểu 50% người cao tuổi được chăm sóc dự phòng toàn diện, khám sức khỏe định kỳ, được điều trị kịp thời tại các cơ sở y tế: định nghĩa về “chăm sóc toàn diện” cần được xác định cụ thể hơn.
+ Chỉ tiêu về tỷ lệ người mắc ung thư khoang miệng, vú, cổ tử cung, đại trực tràng được phát hiện ở giai đoạn sớm: hiện mới chỉ thống kê được chỉ số về ung thư cổ tử cung. Do đối tượng ghi nhận ung thư là các trường hợp mới mắc trong năm và việc xác định giai đoạn bệnh ung thư đối với các trường hợp này khó khăn; do đó, việc thu thập thông tin về trường "Giai đoạn" trong Phiếu ghi nhận ung thư hầu như không đầy đủ (để trống) nên không thống kê chính xác được tỷ lệ mắc ung thư khoang miệng, vú, đại trực tràng được phát hiện ở giai đoạn sớm.
Hoài Vi
Đánh giá bài viết:
Y học dự phòng