Bộ Y tế làm việc với Sở Y tế thành phố Đà Nẵng về giám sát tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu Y tế Dân số giai đoạn 2016-2020
Thành phần tham dự gồm: về phía đoàn giám sát Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số của Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế, trưởng đoàn là Bs. Nguyễn Công Sinh, Vụ phó Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế; về ngành y tế địa phương gồm có BS. Trần Thanh Thủy, Phó giám đốc Sở Y tế cùng toàn thể lãnh đạo các phòng chuyên môn và các đơn vị trực thuộc Sở Y tế (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng; Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình; Bệnh viện: Đà Nẵng, Phổi, Da Liễu, Tâm Thần, Phục hồi chức năng).
Nội dung buổi làm việc: Kiểm tra việc phân bổ, sử dụng ngân sách cho các dự án thuộc Chương trình giai đoạn 2016-2020; công tác chuẩn bị tổng kết đánh giá Chương trình và xây dựng Kế hoạch ngân sách năm 2021-2025 thực hiện nhiệm vụ chi cho các hoạt động Chương trình giai đoạn 2016-2020.
Tại buổi làm việc với Bộ Y tế, Sở Y tế thành phố Đà Nẵng đã trình bày báo cáo đầy đủ về tình hình thực hiện các chỉ tiêu chuyên môn thuộc Chương trình mục tiêu Y tế Dân số và tình hình phân bổ ngân sách từ nguồn trung ương, nguồn địa phương và tỷ lệ giải ngân qua các năm từ năm 2016 đến năm 2020.
Đồng thời, ngành y tế Đà Nẵng cũng đã trình bày những vướng mắc về tính đo lường các chỉ số thuộc Chương trình, đề nghị Bộ Y tế có định nghĩa và thống nhất về các chỉ số thuộc Chương trình trên toàn quốc, chẳng hạn một số chỉ số như sau:
* Dự án 1: Phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và các bệnh không lây nhiễm phổ biến, trong đó:
- Có 50% số người bị tăng huyết áp được phát hiện sớm; 30% số người phát hiện bệnh được quản lý, điều trị theo hướng dẫn chuyên môn: các chỉ số này khó đo lường cụ thể vì mẫu số không có căn cứ ước tính (số người tăng huyết áp được phát hiện sớm/tổng số người bị tăng huyết áp trong cộng đồng).
- Có 40% số người bệnh đái tháo đường được phát hiện, trong đó 40% được quản lý, điều trị. Khống chế tỷ lệ tiền đái tháo đường < 20% ở người 30 - 69 tuổi và khống chế tỷ lệ đái tháo đường < 10% ở người 30 - 69 tuổi: tương tự như chỉ số của tăng huyết áp, không có căn cứ ước tính cho mẫu số.
- Có 20% số người mắc ung thư khoang miệng, vú, cổ tử cung, đại trực tràng được phát hiện ở giai đoạn sớm: ….
- Giảm ít nhất 30% tỷ lệ mắc mới các bệnh tật ở trẻ mầm non, học sinh phổ thông như: Cận thị, cong vẹo cột sống, thừa cân, béo phì, bệnh răng miệng, rối loạn tâm thần học đường so với tỷ lệ mắc mới năm 2015. Trên 90% số trẻ mầm non, học sinh phổ thông được sàng lọc, tư vấn điều trị cận thị, cong vẹo cột sống, thừa cân béo phì, bệnh răng miệng, rối loạn tâm thần học đường: các chỉ số này khó khả thi vì thực tế các trường mới chỉ tiến hành khám sức khỏe tổng quát cho các em học sinh, chưa đủ nguồn lực để thực hiện khám các chuyên khoa liên quan đến xác định các bệnh, tật học đường.
* Dự án 3 về Dân số và phát triển:
- Tối thiểu 50% người cao tuổi được chăm sóc dự phòng toàn diện, khám sức khỏe định kỳ, được điều trị kịp thời tại các cơ sở y tế: định nghĩa về “chăm sóc toàn diện” cần được xác định cụ thể hơn.
Ngoài ra, ngành y tế thành phố đề nghị Bộ Y tế sớm có chỉ đạo mới cho việc triển khai thực hiện Chương trình trong năm 2021 và giai đoạn 5 năm sắp đến 2021-2025. Theo quy định kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số của năm sau sẽ được xây dựng, tổng hợp và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt vào cuối tháng 7 năm trước liền kề, tuy nhiên, đến nay (gần cuối tháng 6/2020) địa phương vẫn chưa nhận bất kỳ chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn nào từ Trung ương, bên cạnh đó trong thời gian qua, các chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các hoạt động chuyên môn từ các đơn vị được Bộ Y tế giao làm cơ quan chủ trì tuyến Trung ương gửi về địa phương thường sau thời điểm giữa năm, do vậy, đã gây khó khăn cho việc định hướng xây dựng kế hoạch hoạt động cũng như dự toán kinh phí triển khai Chương trình trong năm tại địa phương; đồng thời địa phương còn có đề xuất đối với các hướng dẫn các thông tư về việc triển khai thực hiện các định mức, quyết toán thuộc Chương trình nên có thời gian bắt đầu có hiệu lực kể từ đầu năm để thuận tiện cho việc quyết toán hơn cho đơn vị.
Sau khi tiếp nhận các ý kiến phản hồi và báo cáo chi tiết từ Sở Y tế địa phương, đoàn giám sát Chương trình của Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế do BS. Nguyễn Công Sinh làm trưởng đoàn đã có phát biểu ghi nhận các ý kiến phản hổi của các đơn vị và nhận định rằng công tác triển khai Chương trình tại Đà Nẵng đã đạt nhiều kết quả được giao, lãnh đạo địa phương đã hỗ trợ quan tâm sâu sắc đến nhiệm vụ thực hiện của Chương trình trong thời gian qua, các báo cáo về kết quả thực hiện Chương trình của địa phương khá đầy đủ, chi tiết, tỷ lệ giải ngân cao. Trong thời gian đến, Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế sẽ sớm tiếp tục có chỉ đạo, hướng dẫn về việc triển khai Chương trình mục tiêu cho năm 2021 và cho giai đoạn 5 năm tới cho các địa phương để địa phương sớm có cơ sở xây dựng Kế hoạch, dự toán cho năm tiếp theo.
Ảnh: toàn cảnh buổi làm việc
Hoài Vi
Đánh giá bài viết:
Y học dự phòng