Sáng kiến và một số nội dung về hoạt động sáng kiến
Hiện nay hoạt động sáng kiến đang ngày được chú trọng và thúc đẩy thực hiện tại các đơn vị, cơ sở, trên nhiều ngành nghề, lĩnh vực.
Đối với ngành Y tế thành phố Đà Nẵng, trong thời gian qua đã có nhiều sáng kiến được thực hiện mang lại lợi ích cao về mặt kinh tế cũng như lợi ích xã hội. Tuy vậy, nhìn chung hiệu quả hoạt động sáng kiến trong toàn ngành còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Một trong những nguyên nhân được xem xét, đánh giá là các đơn vị/cá nhân tham gia chưa nắm rõ về sáng kiến cũng như các quy định về hoạt động sáng kiến. Điều này đã gây trở ngại đến việc hình thành ý tưởng thực hiện sáng kiến, cũng như những khó khăn khi đăng ký tham gia, tổ chức xét duyệt và công nhận sáng kiến. Do đó, việc hiểu đúng về sáng kiến và các điều kiện để công nhận là sáng kiến, cũng như nắm vững các văn bản pháp luật quy định về hoạt động sáng kiến là hết sức cần thiết giúp nâng cao hoạt động này trong thời gian tới.
1. Hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động sáng kiến
Để khuyến khích phong trào lao động sáng tạo trong quần chúng bằng các biện pháp thừa nhận quyền lợi của người lao động, đồng thời quy định các biện pháp mang tính thúc đẩy phong trào khen thưởng, tôn vinh người lao động cũng như các đơn vị tổ chức tốt hoạt động sáng kiến; hiện nay hệ thống pháp luật về sáng kiến đã có sự điều chỉnh. Cụ thể như sau:
- Các quy định về sáng kiến của Điều lệ về sáng kiến, cải tiến kỹ thuật - hợp lý hóa sản xuất và sáng chế được ban hành kèm theo Nghị định số 31-CP ngày 23/01/1981; được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 84-HĐBT ngày 20/3/1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) cùng các Thông tư hướng dẫn thi hành kèm theo đã hết hiệu lực.
- Hiện nay hoạt động sáng kiến được thực hiện theo Điều lệ sáng kiến được ban hành kèm theo Nghị định số 13/2012/NĐ-CP ngày 02/3/2012 của Chính phủ; Thông tư số 18/2013/TT-BKHCN ngày 01/8/2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc hướng dẫn thi hành một số quy định của Điều lệ sáng kiến được ban hành theo Nghị định số 13/2012/NĐ-CP ngày 02/3/2012 của Chính phủ.
2. Sáng kiến và các điều kiện để được công nhận là sáng kiến
Khi là tác giả trực tiếp thực hiện một sáng kiến hay là cán bộ thực hiện nhiệm vụ quản lý hoạt động sáng kiến, trước hết cần hiểu rõ khái niệm về sáng kiến và các điều kiện để được công nhận là sáng kiến.
Sáng kiến là giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp, hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật (gọi chung là giải pháp), được cơ sở công nhận nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện:
- Có tính mới trong phạm vi cơ sở;
- Đã được áp dụng hoặc áp dụng thử tại cơ sở và có khả năng mang lại lợi ích thiết thực;
- Không thuộc đối tượng bị loại trừ. Các đối tượng loại trừ bao gồm giải pháp mà việc công bố, áp dụng giải pháp trái với trật tự công cộng hoặc đạo đức xã hội; giải pháp là đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật tính đến thời điểm xét công nhận sáng kiến.
Như vậy, có thể thấy rõ ngoài việc không thuộc đối tượng bị loại trừ thì một sáng kiến muốn được công nhận cần đảm bảo tính mới và khả năng mang lại lợi ích thiết thực.
Nên hiểu đúng về tính mới của sáng kiến?
Khi thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học, chúng ta thường đề cập đến tính mới của đề tài ở phạm vi trong nước và thế giới. Hay tính mới của sáng chế được xác định mang tính mới của thế giới (nghĩa là chưa bị bộc lộ công khai dưới bất kỳ hình thức nào ở trong nước hoặc nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên - theo Điều 60, Luật Sở hữu trí tuệ).
Tính mới của sáng kiến có sự khác biệt so với tính mới của sáng chế hay tính mới của đề tài nghiên cứu khoa học như đã đề cập ở trên. Cụ thể, tính mới của sáng kiến được xác định trong phạm vi cơ sở. Nghĩa là nếu tính đến trước ngày nộp đơn yêu cầu công nhận sáng kiến, hoặc ngày bắt đầu áp dụng thử hoặc áp dụng lần đầu (tính theo ngày nào sớm hơn), trong phạm vi cơ sở, giải pháp đáp ứng đầy đủ các điều kiện:
- Không trùng với nội dung của giải pháp trong đơn đăng ký sáng kiến nộp trước;
- Chưa bị bộc lộ công khai trong các văn bản, sách báo, tài liệu kỹ thuật đến mức căn cứ vào đó có thể thực hiện ngay được;
- Không trùng với giải pháp của người khác đã được áp dụng hoặc áp dụng thử, hoặc đưa vào kế hoạch áp dụng, phổ biến hoặc chuẩn bị các điều kiện để áp dụng, phổ biến;
- Chưa được quy định thành tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm bắt buộc phải thực hiện.
Về khả năng mang lại lợi ích thiết thực của sáng kiến
Việc đánh giá lợi ích thiết thực của sáng kiến dựa vào hiệu quả do việc áp dụng giải pháp mang lại, bao gồm:
- Hiệu quả kinh tế (ví dụ nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, nâng cao hiệu quả kỹ thuật);
- Hoặc lợi ích xã hội (ví dụ nâng cao điều kiện an toàn lao động, cải thiện điều kiện sống, làm việc, bảo vệ môi trường, sức khỏe con người).
Xuân Trường
Đánh giá bài viết:
Tin tức - Sự kiện
Cải cách hành chính - Nghiên cứu khoa học