Tập huấn Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn sửa đổi năm 2012, triển khai phong trào Lao động sáng tạo
Sáng ngày 18/10/2012, Công đoàn Ngành Y tế thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị tập huấn về Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn sửa đổi năm 2012 vừa được Quốc hội khoá XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua. Đến dự và tham gia truyền đạt các nội dung tại Hội nghị tập huấn có đồng chí Trương Ngọc Hùng,Trưởng ban chính sách pháp luật; đồng chí Lê Thị Ngọc Oanh, Phó Trưởng ban chính sách pháp luật, đồng chí Lê Văn Lâm, Phó Trưởng ban chính sách pháp luật - Liên đoàn lao động thành phố Đà Nẵng
Lớp tập huấn nhằm giúp cho cán bộ công đoàn các cấp nắm vững các nội dung để triển khai và giám sát việc thực hiện Luật Lao động, Luật Công đoàn tại cơ sở, góp phần đảm bảo quyền, lợi ích của người lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Theo kế hoạch, trong thời gian tới các Công đoàn cơ sở sẽ tập trung tuyên truyền phổ biến những điểm mới của hai luật trên đến cán bộ công nhân viên chức lao động tận cơ sở nhằm đảm bảo kịp thời quyền và lợi ích của công nhân, người lao động.
Về Bộ luật Lao động (sửa đổi), các đại biểu được giới thiệu những điểm cơ bản của Bộ luật như: Bộ luật Lao động (sửa đổi) có 17 chương, 242 điều, tăng 23 điều so với Bộ luật cũ. Một trong những điểm mới của Bộ luật là đưa ra các quy định nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương và các chế độ khác. Bộ luật giữ nguyên số giờ làm thêm người lao động là không quá 200 giờ/năm; một số trường hợp đặc biệt, số giờ làm thêm được tăng lên nhưng không quá 300 giờ/năm; tăng thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ lên 6 tháng, nhưng lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất 4 tháng. Chính phủ cũng sẽ ra Nghị định quy định tuổi nghỉ hưu của lao động, đặc biệt là lao động nữ, có thể cao hơn trong các lĩnh vực đặc thù như nghiên cứu khoa học, chuyên gia hoặc các nhà hoạch định chính sách bậc cao...
Về Luật Công đoàn (sửa đổi), một nội dung quan trọng của Luật là xác định rõ địa vị pháp lý của Công đoàn, tạo cơ sở cho việc quy định cụ thể các quyền và trách nhiệm theo lĩnh vực hoạt động của Công đoàn, tạo hành lang pháp lý cho Công đoàn thực hiện tốt các chức năng theo luật định. Luật Công đoàn sửa đổi được kết cấu gồm 6 chương, 33 điều, tăng 14 điều so với Luật Công đoàn năm 1990. Đồng thời, nhiều nội dung, chi tiết quan trọng đã có sửa đổi, bổ sung cụ thể như giải thích các từ ngữ sử dụng trong Luật; Quy định công đoàn không chỉ tham gia kiểm tra, giám sát mà còn tham gia thanh tra các hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp… phân tích rõ các quy định về nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử; bảo đảm điều kiện hoạt động công đoàn tại doanh nghiệp; trách nhiệm của người sử dụng lao động và cơ chế bảo vệ người lao động làm công đoàn....
Cũng tại hội nghị đồng chí Lê Văn Lâm, Phó Trưởng ban chính sách pháp luật đã giúp các đại biểu hiểu rõ hơn về các văn bản pháp luật quy định hoạt động sáng kiến lao động sáng tạo, các định hướng và những điểm mới trong hoạt động sáng kiến- sáng tạo…
Để phát huy sự sáng tạo của các cá nhân và tập thể trong sản xuất-kinh doanh, nhà nước và các cơ quan đơn vị khuyến khích cá nhân tập thể có những hoạt động sáng kiến sáng tạo được khai báo, ghi nhận và áp dụng kịp thời, có hiệu quả; cơ quan, đơn vị có quyền sử dụng và trả thù lao theo quy định, kèm theo các hình thức khuyến khích khác như giấy khen, bằng khen, giải thưởng quốc gia
Đồng chí Trương Ngọc Hùng, Trưởng ban chính sách pháp luật
Đánh giá bài viết:
Đảng - Đoàn thể