Phát triển hạ tầng kỹ thuật y tế: Một số kết quả đạt được hiện nay của ngành y tế thành phố Đà Nẵng
Một số bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến thành phố đã từng bước tạo được uy tín cho người dân của thành phố và kể cả trong khu vực miền Trung - Tây nguyên (Bệnh viện Đà Nẵng, Phụ sản Nhi, Ung bướu, Mắt, Da Liễu).
Nhiều kỹ thuật y tế hiện đại, chuyên sâu đã được các bệnh viện triển khai thực hiện thành công và đạt hiệu quả cao (cấy ghép tế bào gốc, ghép thận, thực hiện kỹ thuật solitaire (lấy huyết khối) trong điều trị nhồi máu não cấp tính; ứng dụng Kỹ thuật ECMO, kỹ thuật thẩm tách siêu lọc máu, thụ tinh trong ống nghiệm, Chăm sóc thiết yếu sơ sinh sớm da kề da, kỹ thuật nhu châm, hỏa long cứu …).
Đến nay, 100% các bệnh viện tuyến thành phố, quận, huyện và cơ sở y tế tuyến xã, phường đều có cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế phục vụ cho KCB theo tuyến của bệnh viện được phân hạng; 100% các bệnh viện triển khai hơn 75% kỹ thuật theo quy định phân tuyến của Bộ Y tế; các bệnh viện đều chọn mũi nhọn riêng để đầu tư và triển khai dịch vụ kỹ thuật y tế đáp ứng nhu cầu thực tế của địa phương.
Các chỉ số y tế của thành phố đạt ở mức cao so với cả nước như: Số giường bệnh và bác sỹ trên vạn dân đạt tỷ lệ cao so với toàn quốc. (74GB/vạn dân và 18BS/vạn dân cao hơn nhiều so với cả nước 26,5GB/vạn dân, 8,6BS/vạn dân).
Hệ thống y tế dự phòng càng ngày được hoàn thiện hơn và thực hiện nhiều kỹ thuật mới như triển khai nhiều kỹ thuật xét nghiệm mới trong chẩn đoán nhanh các bệnh truyền nhiễm như: Xét nghiệm định type Sốt xuất huyết; xét nghiệm Tay chân miệng bằng kỹ thuật PCR; xét nghiệm Sởi bằng kỹ thuật ELISA…
Bên cạnh những kết quả nêu trên, hiện vẫn còn một số tồn tại liên quan đến công tác đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở y tế cần tiếp tục quan tâm đầu tư trong thời gian đến như sau:
Phần lớn các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố chưa đảm bảo quy chuẩn về diện tích đất tối thiểu (cụ thể là 100m2/giường bệnh đối với các bệnh viện đa khoa), trạm y tế chưa đảm bảo diện tích tối thiếu 500m2/TYT không có vườn thuốc, tổi thiểu 1.000m2/TYT có vườn thuốc. Diện tích cây xanh tại các công trình y tế cũng chưa đảm bảo theo quy chuẩn quy định và chưa đạt mật độ trung bình 0,8m2/người về y tế.
Nhiều đơn vị nhiều năm liền chưa được đầu tư về trang thiết bị y tế như Trung tâm Pháp Y, Trung tâm giám định Y khoa. Vốn đầu tư cho công tác duy tu, bảo dưỡng TTBYT cũng còn hạn chế.
Để tiếp tục kiện toàn mạng lưới y tế địa phương nói chung và phát triển hạ tầng y tế nói riêng, ngành y tế đã hoàn chỉnh Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế và đã tích hợp vào Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Bộ Y tế cũng như các đơn vị liên quan tham gia ý kiến và thống nhất, hiện Quy hoạch thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 02/11/2023, theo đó, ngành y tế đã đề ra nhiều giải pháp để tiếp tục thực hiện nâng cấp, sửa chửa các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố nhằm hướng đến xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực.
Hoài Vi