Chỉ đạo của Bộ Y tế liên quan đến nhiệm vụ thực hiện công tác tài chính y tế và bảo hiểm y tế toàn dân giai đoạn 2021-2025
Về tài chính y tế và bảo hiểm y tế giai đoạn 2021-2025, Bộ Y tế có chỉ đạo tập trung các nhiệm vụ giải pháp như sau:
- Tăng cường đầu tư và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lại ngân sách nhà nước trong lĩnh vực y tế để có nguồn lực triển khai toàn diện công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, nhất là đối với các đối tượng chính sách, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
- Tập trung ngân sách nhà nước cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, bệnh viện vùng khó khăn, các lĩnh vực phong, lao, tâm thần…; dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho công tác y tế dự phòng.
- Ngân sách nhà nước, bảo hiểm y tế bảo đảm chi trả cho các dịch vụ ở mức cơ bản; người sử dụng dịch vụ chi trả cho phần vượt mức. Có cơ chế giá dịch vụ và cơ chế đồng chi trả phù hợp nhằm khuyến khích người dân khám, chữa bệnh ở tuyến dưới và các cơ sở y tế ở tuyến trên tập trung cung cấp các dịch vụ mà tuyến dưới chưa bảo đảm được.
- Tiếp tục đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các cơ sở y tế công lập theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị; giá dịch vụ y tế được tính đúng, tính đủ chi phí và có tích lũy để đầu tư phát triển, bảo đảm công khai, minh bạch, gắn với chất lượng dịch vụ.
- Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực phát triển hệ thống y tế. Đa dạng hóa các hình thức hợp tác công – tư, bảo đảm minh bạch, công khai, cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt công – tư trong cung cấp dịch vụ y tế. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở y tế (kể cả chăm sóc sức khỏe ban đầu), tập trung vào cung cấp dịch vụ cao cấp, theo yêu cầu. Các cơ sở y tế, cơ sở chăm sóc người cao tuổi hoạt động không vì lợi nhuận được miễn, giảm thuế theo quy định của pháp luật.
- Triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện bảo hiểm y tế toàn diện. Đổi mới bảo hiệm y tế theo hướng bao gồm cả dự phòng, nâng cao sức khỏe và điều trị. Đa dạng các gói bảo hiểm y tế, có bảo hiểm y tế bổ sung, gắn bảo hiểm y tế với các loại hình bảo hiểm sức khỏe khác. Nâng cao năng lực, đổi mới công tác giám định bảo hiểm y tế để bảo đảm khách quan, minh bạch. Thực hiện các giải pháp đồng bộ chống lạm dụng, trục lợi, bảo đảm cân đối quỹ bảo hiểm y tế và quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, cơ sở y tế. (Nguồn: Công văn số 2760/BYT-KH-TC của Bộ Y tế ngày 20/5/2020).
Trong thời gian qua, tại thành phố Đà Nẵng: Công tác khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế được chú trọng; từ khi bắt đầu triển khai Luật Bảo hiểm y tế toàn dân, thành phố Đà Nẵng luôn là một trong số các tỉnh/thành phố cả nước có tỷ lệ dân tham gia bảo hiểm y tế toàn dân cao nhất nước. Đến cuối năm 2015, tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn thành phố đạt 95%, cuối năm 2019 đạt 98,6%. dự kiến đến năm 2020 sẽ đạt vượt chỉ tiêu giao.
Sau khi triển khai thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT)theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và Thông tư số 40/2015/TT-BYT của Bộ Y tế về quy định đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT, các Trung tâm Y tế quận, huyện trên địa bàn thành phố đã chú trọng hơn đến đầu tư cơ sở vật chất phục vụ khám chữa bệnh BHYT, như mở rộng khu khám bệnh, tăng bàn khám, bàn hướng dẫn, triển khai lấy số tự động, đọc mã vạch tại khu tiếp nhận bệnh nhân... đã đảm bảo thực hiện tốt công tác thu dung điều trị bệnh nhân Bảo hiểm y tế tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh khi đến khám, chữa bệnh, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Việc thông tuyến đã mang lại lợi ích thiết thực cho người bệnh như người bệnh chuyển sang khám chữa bệnh tại bệnh viện các quận, huyện khác không cần có giấy giới thiệu chuyển viện như trước đây.
Trong thời gian đến, ngành y tế địa phương sẽ tiếp tục phối hợp với Bảo hiểm xã hội thành phố để triển khai các hoạt động nhằm duy trì bền vững tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân trên địa bàn thành phố và tập trung thực hiện các nhiệm vụ giải pháp theo chỉ đạo của Bộ Y tế giai đoạn 2021-2025.
Hoài Vi
Đánh giá bài viết:
Phòng bệnh, khám chữa bệnh - BHYT